Đợt nắng nóng giữa tháng 4, với nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt ngưỡng 35oC, đã nung nóng nước trong vuông nuôi và làm bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi.
Nhiệt độ cao nung nóng vuông tôm
Tháng 4 là cao điểm mùa khô ở ĐBSCL, nắng nóng khá gay gắt, đặc biệt là những ngày từ giữa tháng đổ về cuối, nhiệt độ cao nhất trong ngày nhiều nơi đã vượt ngưỡng 35oC.
Tại Kiên Giang, nhất là ở những khu vực phát triển sản xuất theo mô hình tôm – lúa, tôm nuôi quảng canh cải tiến, nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài đã nung nóng vuông nuôi tôm. Tình trạng tôm nuôi chết do bị sốc nhiệt và các loại dịch bênh nguy hiểm gia tăng trong những ngày qua.
Đi quanh vuông nuôi tôm đã xả cạn khô nước, ông Nguyễn Văn Can (thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, Kiên Giang) buồn rầu: “Trời nắng nóng gay gắt quá, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao. Tôm nuôi không chết vì sốc môi trường cũng chết vì dịch bệnh tấn công do lờ đờ, giảm sức đề kháng. Tôm này tôi thả được gần 2 tháng, hết 10 triệu đồng tiền giống, nhưng chỉ mấy ngày chết sạch, đành phải xử lý môi trường để nuôi lại lứa khác”.
Theo ông Can, nắng nóng làm nước trong vuông tôm bốc hơi nhanh, nước sắc lại độ mặn tăng cao. Nông dân buộc phải bơm châm thêm nước vào vuông, vừa pha loãng độ mặn, vừa hạn chế tình trạng nước bị nung nóng. Tuy nhiên, do không có có ao lắng nên nông dân đã vô tình đưa nước có mầm bệnh vào vuông nuôi, khiến tôm bị nhiễm bệnh chết rất nhanh. Nhưng nếu không bơm nước vào thì tôm cũng sẽ bị chết do sốc nhiệt. Không chỉ riêng gia đình nông Can mà nhiều hộ nuôi tôm – lúa trong khu vực cũng bị thiệt hại tương tự.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được gần 126.000ha tôm nước lợ. Trong đó, chủ yếu là nuôi theo mô hình tôm – lúa, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái dưới tán rừng và thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp. Nhiều diện tích thả sớm tôm đã đạt kích cỡ để bắt, sản lượng đã thu hoạch ước đạt gần 23.500 tấn. Tuy nhiên, tình hình nắng nóng đã làm cho dịch bệnh trên tôm nuôi gia tăng, diện tích tôm nuôi của người dân bị thiệt hại sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Khống chế không để dịch bệnh lây lan
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tình hình thời tiết ngày nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của tôm nuôi. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển và nhiều diện tích tôm nuôi vào giai đoạn mẫn cảm cao với bệnh nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.
Cụ thể, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh lũy kế từ đầu năm đến nay đến nay là 348ha. Trong đó, nhiều nhất là bị bệnh đốm trắng (298ha), còn lại là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp kết hợp, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng, hoại tử cơ quan tạo máu và vi bảo tử trùng kết hợp…
Nguyên nhân chính do nhiệt độ, độ mặn tăng cao, môi trường nước ô nhiễm gây suy giảm sức đề kháng của tôm, thuận lợi cho virus và vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là bệnh đốm trắng. Mưa trái mùa xuất hiện, kết hợp thời tiết nắng mưa xen kẽ, làm xáo trộn môi trường ao nuôi. Để giúp nông dân khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra môi trường, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ hơn 26,7 tấn chlorine cho 103 hộ có tôm nuôi bị thiệt hại để xử lý nguồn nước trước khi xả ra ngoài.
Ông Xuyên khuyến cáo, khi phát hiện tôm nuôi bị dịch bệnh, cần áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch phù hợp không để lây lan. Yêu cầu chủ hộ nuôi có tôm bị bệnh không được xả nước ao tôm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, thông báo cho các hộ nuôi tôm xung quanh biết để có các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi – Thú y tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của ngành thú y.