Trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế giúp hộ dân ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng giảm chi phí, có lợi nhuận gấp đôi trên cùng trên một đơn vị diện tích chuồng trại.
Không đủ hàng để bán
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương, thôn An Lạc 2, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng rộng chỉ 7.000m2, nhưng với cách làm thông minh, sáng tạo đã cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Trang trại của vợ chồng anh Vương lập nên với ý tưởng lấy ngắn nuôi dài, tạo vòng tuần hoàn trong chuỗi nuôi trồng, mô hình chăn nuôi và canh tác tổng hợp. Dù kết hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng chủ trang trại tuân thủ nguyên tắc khép kín chuỗi thức ăn nuôi trồng, giảm tối đa chi phí đầu vào, không sử dụng thuốc kháng sinh, phân bón công nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, được thị trường ưa chuộng.
Trung bình mỗi năm, trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn thịt thỏ, 2,5 tấn gà, 4 tấn cá cùng nhiều mặt hàng nông sản khác… mang lại thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Để có được thành công như hôm nay, anh Vương đã trải qua nhiều bước thử nghiệm cùng những đêm thức trắng nghiên cứu tài liệu hay khăn gói đi học tập những mô hình trang trại ở nhiều nơi.
Ban đầu, cùng với nuôi dế mèn, anh chị nuôi chim bồ câu Pháp nhưng nguồn thức ăn chăn nuôi phải mua hoàn toàn nên giá thành sản phẩm cao,… tuy nhiên, cuối cùng lại bén duyên với nuôi thỏ kết hợp với trùn quế.
“Lúc đầu chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên tôi phải vừa làm vừa học hỏi, nghiên cứu thêm. Tôi đã đi tham quan, học hỏi những người chăn nuôi trước ở Thái Bình, Hải Dương… và tìm hiểu thêm trên mạng internet. Dần dần tự rút ra kinh nghiệm và áp dụng thành công vào mô hình hiện tại”, anh Vương nhớ lại.
Để giúp giảm bớt bệnh tật trên con thỏ, một vườn thuốc Nam được trồng ngay khu vực chuồng trại để cung cấp thức ăn thô cho thỏ gồm nhiều loại cây như: chè khổng lồ, cỏ voi, cây hòn ngọc,… Theo anh Vương, những loại thức ăn này giúp thỏ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chống đỡ lại bệnh tật nên rất hiếm khi anh phải dùng các loại kháng sinh để trị bệnh.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tiểu khí hậu trong chuồng nuôi “ấm về mùa đông, thông thoáng về mùa hè”, anh Vương xây chuồng cao ráo, đồng thời lắp đặt quạt hút gió để chuồng mát mẻ, khí độc được đẩy bớt ra ngoài, giảm sự ảnh hưởng tiêu cực đến đàn thỏ.
Thỏ đến thời kỳ xuất bán được nhà hàng bao tiêu toàn bộ. Với giá bán lẻ là 100.000 đồng/kg, bán buôn là 80.000 đồng/kg, mỗi tháng anh Vương thu lãi hàng trăm triệu đồng chưa tính các loại vật nuôi khác.
“Đầu ra của trang trại đều do các nhà hàng cử đầu bếp, người trực tiếp chế biến món ăn đến mua, họ rất khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm nên chúng tôi phải đáp ứng tốt được điều này mới có đầu ra”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo cho biết, mô hình chăn nuôi gia đình anh Vương là mô hình an toàn sinh học rất khoa học, từ con giống đã tuyển được tuyển chọn tốt, năng suất cao, thứ 2 về thiết kế chuồng trại rất quy chuẩn”.
Ông Bùi Văn Mun, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, về vấn đề bảo vệ môi trường chúng tôi đánh giá mô hình chăn nuôi của gia đình anh Vương là đảm bảo. Các phụ phẩm của chăn nuôi thỏ để nuôi trùn quế, con trùn quế được sử dụng để bán sinh khối và nuôi gà, vừa tận dụng được nguồn thức ăn lại không tồn dư thuốc kháng sinh.
Lợi nhuận nhân đôi
Khác với nhiều hộ chăn nuôi khác, chất thải trong nuôi thỏ tại đây không được dọn và đưa khỏi chuồng nuôi mà được sử đụng để trùn quế. Sản phẩm này được anh Vương bán cho các trang trại nuôi cá, nuôi lươn và trồng rau an toàn trên địa bàn với giá cao.
“Hiện tại, giá bán sinh khối, cả phân giun, giun con, giun mẹ và cả trứng, tôi đang bán 10.000 đồng/kg. Còn trùn quế đã lọc ra thì tôi bán lẻ với giá 100.000 đồng/kg, bán buôn là 70.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ rất lớn, hầu như không đủ bán nên với những khách mua lẻ”.
Trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn, thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng gần gấp đôi so với việc nuôi thỏ thuần túy. Để trùn quế có thể sống được ngay trên nền chuồng thỏ mà mùi hôi trong chuồng nuôi được hạn chế, cả thỏ và trùn quế được sinh trưởng tốt anh Vương thiết kế các bể nuôi dưới các dãy chuồng thỏ.
Toàn bộ phân, nước tiểu và thức ăn thừa rơi xuống chính là thức ăn cho trùn quế. Nhờ cách làm này mà anh Vương không phải dọn phân thỏ hàng này, không tốn nhân công và tiết kiệm nước rửa chuồng, tiết kiệm được tiền điện chạy máy bơm nước.
Cùng một lúc, trùn quế có thể ăn ngay dưới chuồng thỏ, không tốn công chăm sóc. Người nuôi vừa khai thác được giá trị kinh tế từ giun mà hầu như không mất đầu tư, chi phí. Trùn được anh Vương khai thác để nuôi cá, nuôi gà. Sau đó, phân gà được tôi sử dụng để bón cho cỏ thảo dược và lấy cỏ, thảo dược để nuôi thỏ, nuôi lợn, tạo thành vòng khép kín.
“Trước khi tiến hành nuôi thỏ kết hợp nuôi trùn quế, tôi đã đi tham quan rất nhiều trại, trại nuôi kín, nuôi hở, trại nuôi trùn riêng, nuôi thỏ riêng, tôi tìm hiểu rất kĩ và đúc rút ra kinh nghiệm để xây ra mô hình trang trại chăn nuôi như bây giờ, có thể nuôi được cả thỏ lẫn trùn trên cùng đơn vị diện tích”, anh Vương chia sẻ.
Với quy mô hơn 1.000 con thỏ sinh sản, trung bình mỗi tháng anh Vương bán ra thị trường 800 con thỏ thịt, đồng thời thu hàng tấn sinh khối bao gồm cả phân thỏ và trùn quế. Bí quyết của anh Vương nằm ở thiết kế chuồng nuôi. Nền chuồng nuôi để phân thỏ rơi xuống anh Vương không lát xi măng mà để nền đất, độ cao từ mặt đất đến sàn chuồng nuôi khoảng 70cm.
Xung quanh chuồng nuôi được xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo để nước bên trong chuồng được thoát ra ngoài kịp thời và nước ở ngoài không xâm nhập được vào trong chuồng nuôi, tránh việc chết trùn quế.
Theo anh Vương, để trùn quế sinh trưởng phát triển tốt, môi trường nuôi phải đảm bảo đủ độ ẩm. Có nhiều trại cũng nuôi trùn dưới chuồng thỏ nhưng cứ một tuần phải phun nước cho trùn quế 1 đến 2 lần để đảm bảo độ ẩm cho trùn quế sống.
Tuy nhiên, tại trang trại của anh Vương không phải phun nước vì đã được thiết kế âm xuống, bên ngoài vòng quanh trại có hệ thống thoát nước đảm bảo trong trại nuôi không bị ngập và dưới nền luôn đảm bảo độ ẩm để trùn quế phát triển.
Để hạn chế mùi hôi từ chuồng nuôi, định kỳ mỗi tháng anh Vương tiến hành rắc men vi sinh 2 lần, giúp phân hủy nhanh chóng phần phân thỏ dư thừa mà trùn chưa ăn hết, điều này giúp mùi hôi trong chuồng nuôi giảm đi đáng kể.
“Tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công và con trùn quế xử phí phân thỏ rất hiệu quả, tránh được mùi hôi, giảm được bệnh về đường hô hấp cho thỏ. Tôi hạn chế tối đa thức ăn công nghiệp, chủ yếu sử dụng rau xanh để chăn nuôi, do đó lãi suất tự nhiên được nâng cao”, anh Vương bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo khẳng định, trong chăn nuôi phải chăm sóc đàn thỏ tốt để hạn chế những bệnh buộc phải dùng kháng sinh, điều này quá sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trùn.
Việc chuồng trại phải thiết kế thông thoáng để mùa đông ấm áp và mùa hè đủ mát để thỏ sinh trưởng phát triển tốt. Từ đó tạo môi trường lý tưởng để giun phát triển.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Vương rất hiệu quả, trên cùng một đơn vị diện tích, anh Vương đã vận dụng để nuôi được 2 đối tượng nuôi khác nhau, chất thải của thỏ trở thành thức ăn của trùn quế, trùn quế dùng để nuôi gà, cá và cuối cùng, phân gà được dùng để trồng cỏ, thảo dược để nuôi thỏ.
“Việc cho thỏ ăn các loại thảo dược kết hợp với thức ăn tinh, tỷ lệ 60/40 không chỉ giúp đàn thỏ nuôi khỏe mạnh mà còn giúp anh Vương tiết kiệm được chi phí sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho thỏ, phân thỏ cũng rất tốt để nuôi trùn quế. Vòng tròn khép kín này không chỉ giúp gia đình anh Vương thu nhập gấp đôi trên 1 đơn vị diện tích mà còn giúp bảo vệ môi trường, biến phế phụ phẩm chăn nuôi thành sản phẩm có giá trị”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo.