Theo VASEP, doanh nghiệp thuỷ sản nên tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi, sống sang Trung Quốc khi thị trường thích nghi với bối cảnh mới.
Xuất khẩu thuỷ sản đi lùi trong quý I/2023
Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2023, xuất khẩu thủy sản Việt sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam vì giảm mạnh nhất trong top thị trường nhập khẩu, giảm 50% và chỉ đạt khoảng 290 triệu USD. Kinh tế Mỹ sa sút và lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của người dân cho các sản phẩm thủy sản bị sụt giảm mạnh.
Top 6 sản phẩm xuất khẩu chính sang Mỹ gồm tôm chân trắng, cá ngừ, cá tra, tôm sú, cá chẽm và ghẹ đều giảm sâu từ 31 – 57%. Nhiều sản phẩm khác cũng giảm sâu như mực, cá dũa, cá trích, cá mú…
Thị trường Mỹ tiêu thụ chủ yếu ở phân khúc hàng đông lạnh. Với phân khúc này Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn về cả nguồn cung và giá bán với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…
VASEP cho biết, trong quý I/2023, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sang thị trường này giảm 11%, đạt trên 310 triệu USD. Xuất khẩu sang Nhật cũng giảm mạnh ở một số mặt hàng chủ lực: tôm chân trắng giảm 35%, cá hồi 4%, bạch tuộc 6%…
Xuất khẩu sang Nhật Bản tăng chủ yếu là các mặt hàng hải sản khai thác: mực, cá nục, cá minh thái, cá ngừ, cá sòng tăng từ 13 đến 88%.
Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản trong quý I đạt gần 255 triệu USD, giảm 22%, giảm mạnh trong tháng 1 là tháng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở cả 2 nước. Nhờ việc chấm dứt chính sách zero Covid, mở cửa thị trường trở lại, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã hồi phục dần từ tháng 2.
Theo đó, cá tra chiếm tỉ trọng lớn nhất, 61% xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, tôm chiếm khoảng 20%, còn lại là các loài hải sản. Xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc giảm sâu nhất, giảm 50%, trước áp lực cạnh tranh lớn từ Ấn Độ và Ecuador. Trong khi xuất khẩu tôm sú và tôm biển tăng trưởng dương 29% và 119%.
Thị trường EU cũng giảm 29% giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong quý I/2023, chỉ đạt 210 triệu USD. Xuất khẩu tôm và các sản phẩm hải sản sang EU đều giảm từ 7 – 50%, riêng xuất khẩu cá tra giữ được ổn định nhờ tăng xuất khẩu sang thị trường Đức.
Thích nghi với bối cảnh mới
Trước bối cảnh trên, chuyên gia VASEP dự báo xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid-19.
Đặc biệt, theo VASEP, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh gay gắt nhất vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước khác cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.
Xuất khẩu sang các thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý II/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU và hội chợ Vietfish vào tháng 8 tại Tp.HCM. Các sự kiện này sẽ thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.
Đưa ra các giải pháp, VASEP cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn như Trung Quốc, tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi, sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch, khi thị trường thích nghi với bối cảnh mới.
Đồng thời, nghiên cứu thêm nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mới và tập trung vào các phân khúc hàng GTGT cho các thị trường: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ. Mở rộng sang các thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng nhờ kinh tế ổn định hơn như khu vực Trung Đông, ASEAN.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng ưu đãi thuế quan của các hiệp định FTA để xuất khẩu sang các thị trường EU, Canada, Mexico, Australia, Nhật Bản… giữ được vị thế cạnh tranh so với các nước khác.