Giá thức ăn tăng kỷ lục trong nhiều tháng liền trong khi giá lợn hơi sụt giảm không phanh khiến người chăn nuôi ở Hà Tĩnh thua lỗ nặng, rơi vào bế tắc.
Lỗ hàng chục tỷ đồng/năm
Những tháng đầu năm 2023, Công ty cổ phần phát triển Nông lâm Hà Tĩnh đối mặt với nhiều khó khăn khi giá lợn hơi tiếp tục rơi tự do, xuống mức 47.000 – 48.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức tăng trên 40% so với 2021.
Ông Mai Khắc Mại, Giám đốc Công ty mệt mỏi cho biết, trước đây tổng đàn lợn nái của công ty luôn giữ mức ổn định trên dưới 3.000 con, tuy nhiên, nghịch lý giá lợn hơi giảm, giá thức ăn tăng kéo dài buộc đơn vị phải giảm tổng đàn xuống còn 2.300 con.
“Ngoài giảm đàn nái, bán lợn con để cầm cự, chúng tôi phải giảm cả trang trại nuôi vệ tinh trong dân hoặc kéo dài thời gian xử lý chuồng trại nhằm hạn chế thua lỗ. Hiện chỉ còn 9/17 trang trại vệ tinh đang tổ chức nuôi”, ông Mai Khắc Mại nói.
Theo ông Mại, trong năm 2022, các công ty thức ăn chăn nuôi tăng giá bán 7 – 8 lần, mỗi lần tăng bình quân 300 – 400 đồng/kg, tính ra, mỗi kg lợn hơi đội giá thành thức ăn lên đến khoảng 7.000 đồng/kg.
Bi đát hơn, do quy mô đầu tư nhiều, tổng đàn lớn nên khi giá lợn hơi giảm sâu, một doanh nghiệp ở huyện Thạch Hà (xin dấu tên) lỗ càng nặng. Theo tìm hiểu, năm 2022, doanh nghiệp này lỗ 20 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tích cực, thậm chí giá lợn hơi còn có xu hướng tiếp tục giảm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
“Với quy mô 3.500 con lợn nái, mỗi tháng doanh nghiệp phải xuất ra thị trường từ 5.000 – 6.000 con lợn giống. Tuy nhiên, hiện nay chi phí chăn nuôi tăng cao, người dân đối mặt thua lỗ nên ngại tái đàn, đồng nghĩa doanh nghiệp không tiêu thụ được con giống và phải chuyển hướng nuôi lợn thịt. Với giá lợn hơi như hiện nay, mỗi con lợn thịt bán ra chúng tôi lỗ hơn 1 triệu đồng, rất bi đát”, vị giám đốc công ty thở dài ngao ngán.
Khi được hỏi về giải pháp cầm cự, vị giám đốc cho hay, ngoài giảm quy mô tổng đàn, đơn vị cắt giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản xuất. Riêng chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh không những không thể cắt giảm mà còn phải tăng lên để duy trì ổn định chuỗi chăn nuôi, bảo vệ “đầu kéo” về nguồn giống cho ngành chăn nuôi toàn tỉnh chờ thị trường khởi sắc trở lại.
Tiếp tục đàm phán với các ngân hàng, nhà cung cấp để tăng hoặc giữ hạn mức dư nợ, đảm bảo nguồn vốn duy trì sản xuất. Qua đó, ổn định việc làm, thu nhập cho 130 lao động và thực hiện hợp đồng liên kết chăn nuôi với người dân tại các địa phương trong tỉnh.
Đối với chăn nuôi gia trại, nông hộ, đây là nguồn thu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, với giá lợn thương lái thu mua chỉ ở mức 42.000 – 43.000 đồng/kg (thấp hơn giá thu mua tại trang trại), bà con thậm chí phải bán lúa để bù lỗ chăn nuôi lợn.
Chị Nguyễn Thị Dung, xã Quang Diệm có 5 con lợn thịt đến ngày xuất chuồng. Thương lái thu mua với giá 43.000 đồng/kg, sau khi hạch toán, chị Dung lỗ gần 4 triệu đồng, chưa kể tiền công chăm sóc trong hơn 3 tháng. Hiện chị chưa tính tới việc tái đàn vì sợ tiếp tục thua lỗ nặng.
Được biết, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 221 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn và vừa (riêng lợn nái có 38 cơ sở quy mô 300 con trở lên). Tổng đàn lợn tính đến thời điểm này khoảng 389.000 con và đang có xu hướng giảm.
Giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo phân tích của ngành chuyên môn, giá lợn hơi giảm do nhu cầu thị trường giảm. Theo đó, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước hoạt động khó khăn, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng buộc cắt giảm lao động nên lượng thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể giảm mạnh.
Ngoài ra, từ năm 2022 lại nay, việc xuất khẩu thịt lợn theo đường tiểu mạch sang Trung Quốc phải tạm ngừng do chính sách phòng chống dịch quyết liệt của Trung Quốc. Cùng đó, kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân, sức tiêu thụ thực phẩm giảm theo…
Việc giá lợn hơi giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh. Những năm trước, ở giai đoạn đầu năm, người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, tăng đàn để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng năm nay thì ngược lại.
Theo người chăn nuôi, giá lợn hơi ở mức 56.000 – 57.000 đồng/kg mới có khả năng hòa vốn, bởi vậy, với mức giá như hiện nay, các trang trại chăn nuôi lợn đang có xu hướng cầm chừng, thậm chí giảm đàn còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tạm thời ngừng nuôi.
Ngoài nguyên nhân giá lợn hơi sụt giảm không phanh, trong vòng hơn một năm qua, giá thức ăn chăn nuôi leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến người chăn nuôi càng rơi vào thế bế tắc. Khảo sát tại thị trường Hà Tĩnh, giá thức ăn chăn nuôi lợn hiện giao động từ 280.000 – 370.000 đồng/bao 25kg, tùy loại. Mức giá này tăng khoảng 100.000 đồng/bao 25kg so với cùng kỳ năm 2021.
Chủ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi Phương Tân, ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà cho biết, giá thức ăn tăng nên các cơ sở chăn nuôi giảm quy mô, giảm đàn. Vì vậy, lượng hàng bán ra của đại lý cũng giảm gần một nửa so với đầu năm 2022.
“Như năm 2021 bình quân mỗi tháng chúng tôi nhập từ 5 – 6 tấn thức ăn chăn nuôi về bán nhưng nay buôn bán ế ẩm chỉ nhập vài ba tấn/tháng”, chủ đại lý nói.
Để duy trì hoạt động sản xuất, khối trang trại phải tìm kiếm nhiều đối tác cung ứng thức ăn chăn nuôi nhằm lựa chọn loại thức ăn phù hợp tăng năng suất, giảm chi phí, phần nữa để mua nợ cám. Riêng sản xuất nông hộ, bà con chuyển hướng sử dụng cám tự chế để ứng phó với tình trạng thức ăn tăng giá.
Giá cám tăng cao cũng tác động tiêu cực đến các nhà máy sản xuất. Cụ thể, tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc, huyện Can Lộc, thời điểm này, doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất từ 15 – 17 ngày/tháng để đảm bảo ngày công cho người lao động.
Theo ông Thân Văn Vỵ, Giám đốc công ty, nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngô, khô đậu… đều nhập khẩu từ nước ngoài. Do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine nên từ tháng 2/2022 đến nay, giá thành nhập khẩu các nguyên liệu này tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn
“Hơn một năm nay, giá nguyên liệu nhập khẩu bình quân tăng hơn 30% so với năm 2021. Tình trạng này dự báo sẽ còn kéo dài đến quý III/2023. Giá thức ăn chăn nuôi đi xuống hay không còn phụ thuộc vào cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu”, ông Vỵ dự báo.
Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn sàng chuồng trại, con giống và theo dõi sát sao tín hiệu của thị trường. Khi giá lợn hơi có chiều hướng tăng lên, cần triển khai kế hoạch tái đàn, tăng đàn phù hợp gắn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí sản xuất, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như: ngô, lúa, các phụ phẩm nông nghiệp khác để giảm nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao như hiện nay”.