Các chuỗi liên kết sản xuất không chỉ tạo đột phá cho ngành nông nghiệp Ninh Thuận mà còn thay đổi nhận thức cho người dân về nền nông nghiệp trách nhiệm.
Nói đến Ninh Thuận, ai cũng nghĩ ngay đến vùng đất đầy vất vả vì khô, vì nóng, vì gió nhiều. Thế nhưng khí hậu nhiệt đới khô hạn đặc trưng lại là lợi thế cho phát triển nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc thù.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình liên doanh liên kết trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình liên kết sản xuất đã góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp.
Một số sản phẩm chủ lực của Ninh Thuận như lúa, nho, táo, mía, mì, bắp giống, hành, tỏi, nha đam, măng tây, dê, cừu, heo, vịt thịt… theo chuỗi giá trị được tổ chức liên kết chặt chẽ dưới nhiều hình thức; tiếp tục duy trì có hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cao.
Các sản phẩm nông – lâm – thủy sản tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Ninh Thuận đã có chiều hướng tiến triển tốt, được tổ chức liên kết chặt chẽ, hình thành nhiều kênh phân phối khác nhau như: Hệ thống chợ, thương lái, hợp đồng thương mại hay hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Một số cơ sở có sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng an toàn, chuỗi giá trị liên kết, sản phẩm OCOP… đã tham gia vào các siêu thị, chợ đầu mối tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác. Phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên địa bàn Ninh Thuận trong thời gian qua đã cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Đây là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.
Để có được kết quả trên, theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng với các cơ quan có liên quan và đơn vị truyền thông về công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, cổ động về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, sâu rộng. Qua đó, giúp người sản xuất, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tìm hiểu thông tin về cơ hội thị trường cho các chuỗi giá trị về các sản phẩm tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận.
Trong năm 2022, ngành chức năng Ninh Thuận đã tổ chức 12 lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển chuỗi, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo kiến thức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tác tham gia chuỗi giá trị.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Ninh Thuận còn phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP.HCM – Phân hiệu tại Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Vai trò trường đại học, viện nghiên cứu trong hệ thống đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ”.
“Trong năm 2022, Ninh Thuận đã thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm với 68 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, duy trì 61 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm năm 2021 và phát triển 7 mô hình mới về liên kết chuỗi giá trị sản phẩm”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay.
Chuỗi liên kết sản xuất không chỉ mang về lợi ích kinh tế…
Trong mô hình liên kết, nhờ áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào cánh đồng lớn như gieo sạ tập trung, sử dụng cùng giống, cùng quy trình thâm canh nên cây lúa ở Ninh Thuận sinh trưởng phát triển tốt, năng suất lúa bình quân ước đạt 71 tạ/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7 – 12%, được doanh nghiệp tham gia liên kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm từ 50 – 100 đồng/kg, giảm được chi phí sản xuất từ 7 – 12%, hiệu quả tăng từ 20 – 30% so với sản xuất đại trà.
Riêng với mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa giống, trong mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống cho năng suất bình quân ước đạt 80 tạ/ha, được doanh nghiệp tham gia liên kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm từ 500 – 700 đồng/kg, giúp tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác thêm 50 – 60% so với sản xuất truyền thống.
Đối với cây bắp (ngô), nhờ áp dụng quy trình sản xuất giống, cơ giới hóa vào khâu làm đất, ứng dụng tốt và đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào cánh đồng lớn nên cây bắp sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân ước đạt 78 tạ/ha/vụ. Sản phẩm bắp giống được các doanh nghiệp thu mua với giá 8.500 đồng/kg bắp tươi (nguyên cùi). Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận bình quân đạt 35 – 41 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất bắp đại trà khoảng 18 – 20 triệu đồng/ha.
Mô hình cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh năng suất bình quân 73 – 80 tạ/ha, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá 50.000đ/kg. Mối liên kết này đã giúp nông dân có thu nhập ổn định với mức cao.
Đặc sản của Ninh Thuận là nho trong mô hình liên kết sản xuất cho năng suất bình quân đạt 18 – 20 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10 – 15%, được các HTX, doanh nghiệp liên kết thu mua với giá nho đỏ 25.000 – 30.000đ/kg, nho xanh 50.000 – 55.000 đồng/kg. Mối liên kết này đã giúp các hộ tham gia liên kết có thu nhập ổn định.
Chuỗi liên kết chuỗi giá trị cây nha đam, táo cũng có hiệu quả kinh tế không thua kém. Ngoài hiệu quả kinh tế, các mô hình nói trên còn giúp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây trồng, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất và chất lượng cao hơn.
“Các mô hình nói trên đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất nông sản sạch theo hướng bền vững. Ngoài ra, trong năm 2022, Ninh Thuận tiếp tục duy trì 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của năm 2021 với các liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi bò, dê, cừu thịt vỗ béo, heo, chuỗi giá trị liên kết chăn nuôi gia cầm; duy trì mô hình liên kết chăn nuôi vịt chạy đồng, chuỗi giá trị heo đen, gà bản địa”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết thêm.
“Chuỗi liên kết về chăn nuôi với doanh nghiệp thu mua – giết mổ – tiêu thụ được đầu tư ban đầu về con giống, thức ăn bổ sung nên người chăn nuôi khỏi lo về kinh phí mua con giống, có được nguồn thu nhập ổn định. Từ lợi ích của mô hình, thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh”, ông Cương cho hay.
“Nhờ đẩy mạnh chính sách đầu tư của nhà nước và sự giao thương về kinh tế thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nông dân Ninh Thuận đã được tiếp cận với nhiều chương trình dự án, thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong sản xuất, hiệu quả sản xuất tăng cao hơn trước, đời sống được nâng lên rõ rệt.
Một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các cánh đồng lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra cho sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch…”.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.