Với ý chí và đam mê làm nông dân, nữ kỹ sư 9x đã “biến” vùng đất vốn bỏ hoang thành nông trại sản xuất rau, củ quả sạch. Cô gái cũng làm cho nơi đây trở thành điểm trải nghiệm, check-in tuyệt đẹp.
Những ngày cuối tháng 3, nắng nóng đầu mùa khiến không khí ở nhiều địa phương miền Trung trở nên oi bức. Trần Thị Hằng (30 tuổi) phơi mình giữa trang trại rộng hơn 1ha ở thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh để thu hoạch rau, củ, quả bán cho khách.
Đam mê, gắn bó với công việc này nhiều năm nay, Hằng như trở thành một người nông dân thực thụ. Làn da cô gái vốn xinh đẹp, trắng trẻo trở nên rám nắng và đôi tay cũng dần chai sạn. Dù vậy, Hằng luôn cảm thấy vui, hạnh phúc vì đã thỏa ước mơ “sống xanh” và làm được những điều tử tế cho đời.
Trần Thị Hằng tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, chuyên ngành Kỹ sư Bảo vệ thực vật, khoa Nông học, vào năm 2015. Rời ghế giảng đường, cô gái trẻ đi làm cho một số trang trại trồng rau sạch ở Đà Nẵng và Quảng Nam để lấy kinh nghiệm. Năm 2017, cô trở lại Huế làm kỹ sư nông nghiệp cho một nông trại. Công việc mang lại thu nhập khá ổn định.
Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, Hằng quyết định rời xứ Huế “mộng mơ” và quay về quê hương Hà Tĩnh với một khát khao cháy bỏng.
“Tôi yêu thích trồng trọt. Tôi mong muốn sở hữu một nông trại xanh, trồng ra nhiều loại hoa, quả sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng ở quê hương mình”, Hằng chia sẻ.
Năm 2019, cô gái cụ thể hóa hoài bão của mình khi cùng với một người bạn thuê và khai hoang mảnh đất rộng hơn 1ha ở thôn Đông Xuân, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Tại đó, cả hai đã trồng rau củ, nuôi gà, thả cá. Những quyết định táo bạo của cô kỹ sư trẻ khi đó khiến người thân không khỏi lo lắng.
“Con gái ra trường, có một công việc kỹ sư bình thường mà về khai hoang vùng đất đó. Tôi lên thăm thấy gần đó có nghĩa trang nên không dám ở lại qua đêm. Họ hàng, người thân thì nói nhiều lắm, nào là có con sao “thả” trên núi, hay sao lại cho con làm cái nghề này. Ban đầu tôi không đồng tình nhưng con gái cứ thuyết phục bảo con có tình yêu ấp ủ ở đó. Tôi tưởng ai, hóa ra nó yêu cây. Dần dần tôi cũng phải xiêu lòng để con được sống với ước mơ của mình”, bà Nguyễn Thị Linh (62 tuổi, mẹ Hằng), chia sẻ.
Về phần Hằng, cô gái chỉ cười vui vẻ và nói: “Hồi đó vui lắm, 2h, tôi còn dậy đi đuổi trộm. Chắc vì có sẵn “máu liều” nên tôi không sợ gì cả”.
Năm 2021, “máu liều” của cô kỹ sư trẻ vẫn chưa dừng lại. Trong một lần đi qua con đường ở thôn Liên Hương, xã Thạch Đài (cách nhà cô ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh khoảng 1,5km), Hằng thấy một mảnh đất rộng khoảng 1ha bỏ hoang. Nơi đây thường bị ngập lụt vào mùa mưa bão, mùa khác là nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.
Đây là nơi mà nữ kỹ sư nhận thấy rằng có vị trí trung tâm, ven thành phố, gần khu dân cư, khá an toàn. Vậy là một ý tưởng muốn biến mảnh đất hoang hóa thành nông trại xanh lóe lên trong đầu cô gái.
Nghĩ là làm, Hằng quyết định ra làm nông trại riêng. Cô xin phép chính quyền địa phương, thuê lại vùng đất mới. Sau đó, cô thuê máy cày, máy múc san phẳng những nơi gồ ghề, làm rãnh thoát nước, dựng lán tạm sinh sống.
Suốt nhiều tháng, Hằng cần mẫn cải tạo, cày, xới đất cằn cỗi thành những luống đất tươi tốt để trồng rau, củ, quả sạch bốn mùa, không sử dụng thuốc trừ sâu. Cô gái còn trồng thêm nhiều loài hoa như thược dược, hướng dương.
Là người táo bạo, ham học hỏi và sáng tạo, Hằng không dừng lại ở việc chỉ trồng trọt mà muốn xây dựng nơi đây thành điểm du lịch trải nghiệm.
Cô tự tay làm nhiều phần việc như dựng xích đu, khu check-in cho giới trẻ sống ảo, điểm nướng BBQ (bếp nướng dã ngoại), không gian thưởng thức cà phê, nước ép hoa quả giữa thiên nhiên. Nữ kỹ sư đặt tên cho nông trại của mình là “Vườn nàng thơ”.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, những “trái ngọt” ban đầu đã đến với Hằng. Cô gái trẻ trồng được cà chua, cà rốt, dưa chuột, củ cải và cả dâu tây để ship bán cho khách hàng thân thuộc ở trong và ngoài tỉnh.
Những ngày này, sau khi thu hoạch xong rau, củ, quả vụ đông, Hằng sẽ cải tạo lại đất để trồng các loại cây phù hợp với mùa hè như dưa hấu, dưa lưới, dưa chuột, dưa lê.
“Vườn nàng thơ” của Hằng thời gian qua cũng thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan. Khi đến đây, khách ngoài check-in, còn có thể trải nghiệm làm nông dân và ăn thử củ quả sạch, uống nước ép trái cây ngay tại vườn.
Hồi tháng 2 vừa qua, tại nông trại của mình, Hằng cùng các bạn đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp đã tổ chức thành công phiên “Chợ gánh – Mùa thương đầu” để quảng bá, giới thiệu 13 gian hàng sản phẩm nông nghiệp sạch.
Sự kiện tái hiện lại không gian chợ truyền thống thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người. Đó là những thành công bước đầu mà Hằng đạt được.
Nữ kỹ sư chia sẻ, trên chặng đường của mình, không phải mọi thứ cô trải qua đều thuận lợi. “Tôi xuất phát từ hai bàn tay trắng, vay gần 300 triệu đồng để thực hiện ước mơ. Để làm cho vùng đất hoang hóa trở nên xanh, sạch, đẹp thế này, tôi gặp không ít khó khăn. Như vì trồng rau quả ngoài trời không phun thuốc trừ sâu, khi có dịch bệnh, sâu, côn trùng gây hư hại thì phải làm lại từ đầu. Trời mưa gió, một thân một mình ở đây chống chọi. Những lúc đó, tôi tự động viên mình là chính, có nản chí mấy cũng phải vượt qua”, Hằng bộc bạch.
Theo nữ kỹ sư, khó khăn hơn nữa là vào mùa mưa, mảnh đất nơi xây dựng nông trại sẽ bị ngập lụt. Để khắc phục, Hằng tính toán, như tháng 10 mưa lũ, tháng 8-9 cần thu hoạch xong rồi ngưng sản xuất để vùng đất thấp trũng này ngập trắng. Trong thời gian đó, cô tranh thủ ươm giống ở khu vực đất cao, đợi hết ngập lụt lại cải tạo trồng trọt.
Cứ thế, sau 2 năm nỗ lực, “Vườn nàng thơ” đã mang lại cho Hằng một khoản thu nhập ổn định. Cô kỹ sư không tiết lộ con số cụ thể mà nói đó là niềm an ủi lớn để động viên cô phát triển nông trại từng bước. Cụ thể, sau này, Hằng muốn trồng trọt quy mô lớn trong nhà lưới và đưa nơi đây thành điểm tham quan có nhiều trải nghiệm hữu ích hơn cho mọi người.
“Tôi hạnh phúc vì mang lại những sản phẩm có giá trị xanh, sạch cho mọi người. Tôi cũng hy vọng những việc làm của mình sẽ góp phần vào việc truyền thông điệp, cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương cho các bạn trẻ”, Hằng bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Trương Quang Tuấn, Bí thư Đoàn xã Thạch Đài cho biết, mảnh đất mà nữ kỹ sư Trần Thị Hằng thuê lại của các hộ, trước kia người dân gặp khó khăn trong canh tác nên phải để hoang hóa.
Sau thời gian bỏ công sức cải tạo, Hằng đã “hồi sinh”, biến nơi này thành nông trại sản xuất nông nghiệp sạch. Đây cũng là một điểm trải nghiệm, check-in lý tưởng, gần gũi với thiên nhiên cho các gia đình mỗi dịp cuối tuần.
“Ý chí khởi nghiệp và công sức của Hằng đã giúp thay đổi màu sắc xanh, sạch, đẹp ở quê hương. Chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ cho Hằng trong việc vay vốn để hoàn thành những dự án phát triển trong tương lai”, anh Quang Tuấn nói.